Lịch sử Philippines

Bài chi tiết: Lịch sử Philippines

Tiền sử

Khối xương bàn chân của người ở di cốt Callao (Callao Man) được cho là có niên đại từ 67.000 năm trước theo phương pháp định tuổi bằng urani-thori.[19] do vậy thay thế di cốt Tabon (Tabon Man) được tìm thấy tại Palawan có niên đại khoảng 24.000 năm trước theo phương pháp cácbon C14,[20][21] là hóa thạch loài người cổ xưa nhất được phát hiện trên quần đảo. Người Negrito nằm trong số các cư dân đầu tiên của quần đảo, song không xác định được niên đại đáng tin cậy.[22] Có một vài thuyết đối lập liên quan đến nguồn gốc của người Philippines cổ đại. Thuyết được chấp thuận rộng rãi nhất dựa trên bằng chứng ngôn ngữ họckhảo cổ học, đó là mô hình "ra khỏi Đài Loan", với giả thuyết được đưa ra là người Nam Đảo từ Đài Loan bắt đầu nhập cư đến Philippines từ khoảng năm 4000 TCN, thay thế các cư dân đến từ trước đó.[23][24]

Các quốc gia cổ

Một cặp đôi người Tagalog thuộc đẳng cấp Maginoo trên một trang của Códice Boxer vào thế kỷ XVI.

Mặc dù một số xã hội trên các hòn đảo rải rác vẫn biệt lập, song nhiều xã hội khác phát triển thành các quốc gia và phát triển hoạt động mậu dịch đáng kể với các dân tộc khác ở Đông và Đông Nam Á. Thiên niên kỉ thứ nhất Công nguyên chứng kiến sự nổi lên của các tiểu quốc hải cảng và phát triển thành các quốc gia hàng hải, bao gồm các barangay tự trị, hoặc liên minh với nhau, các quốc gia lớn nằm dưới hải quyền của người Mã Lai do các Datu trị vì, các quốc gia triều cống cho Trung Quốc do Vương cai trị, các vương quốc Ấn hóa do các Rajah cai trị. Có thể kể đến Datu Puti cai trị Liên bang Madja-as sau khi ông mua lãnh địa từ tù trưởng người Negrito tên là Marikudo. Sau đó là Vương quốc Butuan, quốc gia này nổi lên trong triều đại của Rajah Sri Bata Shaja,[25] Vương quốc Tondo do triều đại Lakandula cai trị[26][27]Vương quốc Cebu[28] dưới sự lãnh đạo của Rajamuda Sri Lumay. Các quốc gia khác trong thời đại này bao gồm vương quốc Hán hóa Ma Dật với người đứng đầu là một vương, và Sulu trước khi bị Hồi giáo hóa từng là một vương quốc Ấn Độ hóa, với người cai trị đầu tiên là Rajah Sipad Cựu.[29] Các sử thi lớn như Hinilawod, Darangan và Biag Ni Lam-Ang có nguồn gốc từ thời đại này.[30]

Những năm 1300 báo trước sự xuất hiện và cuối cùng là truyền bá Hồi giáo tại quần đảo Philippines. Năm 1380, Karim ul' Makdum và Shari'ful Hashem Syed Abu Bakr đi từ Malacca đến Sulu là lập nên Vương quốc Hồi giáo Sulu bắt cách cải đạo rajah của Sulu và kết hôn với con gái của rajah.[31][32] Đến cuối thế kỷ XV, Shariff Mohammed Kabungsuwan của Johor đưa Hồi giáo đến đảo Mindanao. Sau đó, ông ta kết hôn với Paramisuli, một công chúa người Iranun, và lập nên Vương quốc Hồi giáo Maguindanao. Các vương quốc Hồi giáo mở rộng đến Lanao.[33] Cuối cùng, Hồi giáo vượt khỏi phạm vi của đảo Mindanao và lan đến phía nam đảo Luzon. Thậm chí Manila cũng bị Hồi giáo hóa trong thời gian trị vì của Sultan Bolkiah từ năm 1485 đến năm 1521, khi đó Vương quốc Hồi giáo Brunei chinh phục Vương quốc Tondo bằng cách cải đạo Rajah Salalila sang Hồi giáo.[34][35][36][37] Tuy nhiên, các quốc gia như Igorot theo thuyết vật linh, Madja-as Mã Lai, Ma Dật Hán hóa, Lequios và Butuan Ấn Độ hóa vẫn duy trì văn hóa của mình. Trong một số vương quốc xuất hiện việc chống Hồi giáo gay gắt. Sự kình địch giữa các datu, raja, vương, sultan, và lakan và giữa các quốc gia của họ khiến cho người Tây Ban Nha dễ dàng thuộc địa hóa quần đảo. Các quốc gia này được hợp nhất vào Đế quốc Tây Ban Nha, và bị Tây Ban Nha hóa và Thiên Chúa giáo hóa.[38]

Thuộc địa của Tây Ban Nha

Pháo đài Santiago tại Manila do Miguel López de Legazpi xây dựng vào năm 1590.

Năm 1521, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan đến Philippines và tuyên bố chủ quyền của Tây Ban Nha đối với quần đảo, ông ta bị giết chết sau đó trong trận Mactan.[39] Quá trình thuộc địa hóa bắt đầu khi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Miguel López de Legazpi đến từ Mexico vào năm 1565 và thành lập các khu định cư đầu tiên của người Âu tại Cebu. Người Tây Ban Nha thiết lập Manila làm thủ đô của Đông Ấn Tây Ban Nha vào năm 1571 sau khi đàn áp sự kháng cự của người bản địa và đánh bại hải tặc người Trung Quốc Lâm A Phượng (Limahong).[40][41]

Sự thống trị của người Tây Ban Nha đóng góp đáng kể vào việc thống nhất chính trị tại quần đảo. Từ năm 1565 đến năm 1821, Philippines được quản lý với địa vị là một lãnh thổ của Phó vương quốc Tân Tây Ban Nha và sau Chiến tranh độc lập Mexico thì được quản lý trực tiếp từ Madrid. Thuyền buồm Manila cùng hạm đội hải quân lớn của nó kết nối Manila với Acapulco, qua lại một hoặc hai lần mỗi năm từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Hoạt động mậu dịch đưa đến Philippines các loại lương thực có xuất xứ từ châu Mỹ như ngô, cà chua, khoai tây, ớt.[41] Các nhà truyền giáo của Công giáo Rôma cải đạo hết hết các cư dân vùng thấp sang đạo này và lập nên các trường học, một đại học, và các bệnh viện. Một sắc lệnh của Tây Ban Nha quyết định tiến hành giáo dục công miễn phí vào năm 1863, song các nỗ lực nhằm thực hiện giáo dục đại chúng chủ yếu được thực hiện dưới thời Mỹ thuộc.[42]

Trong thời kỳ cai trị Philippines, người Tây Ban Nha phải chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy của người bản địa và một vài thách thức đến từ hải tặc Trung Quốc, người Hà Lan, và người Bồ Đào Nha. Trong khuôn khổ Chiến tranh Bảy năm, quân đội Anh chiếm Manila từ năm 1762 đến năm 1764. Quyền cai trị của người Tây Ban Nha được khôi phục sau Hiệp định Paris 1763.[38][43][44] Đến thế kỷ XIX, các cảng của Philippines mở cửa cho mậu dịch toàn cầu và xã hội thuộc địa bắt đầu xuất hiện các thay đổi. Nhiều người Tây Ban Nha sinh ra tại Philippines (criollos) và những người hỗn chủng (mestizos) trở nên thịnh vượng, nhiều người nắm giữ các chức vụ trong chính quyền vốn có truyền thống do những người Tây Ban Nha sinh tại bán đảo Iberia nắm giữ. Những tư tưởng cách mạng cũng bắt đầu được truyền bá trên khắp quần đảo. Việc người Criollo bất mãn dẫn đến Binh biến Cavite vào năm 1872, được xem là điềm báo trước cho Cách mạng Philippines.[38][45][46][47]

Tình cảm cách mạng bùng lên vào năm 1872 sau khi ba linh mục là Mariano Gómez, José Burgos, và Jacinto Zamora (gọi chung là Gomburza) bị nhà cầm quyền thuộc địa buộc tội xúi giục nổi loạn và hành quyết.[45][46] Sự việc này truyền cảm hứng cho một phong trào tuyên truyền tại Tây Ban Nha do Marcelo H. del Pilar, José Rizal, và Mariano Ponce tổ chức, nhằm vận động hành lang cho các cải cách chính trị tại Philippines. Rizal cuối cùng bị hành quyết vào ngày 30 tháng 12 năm 1896 với tội danh nổi loạn.[48] Do các nỗ lực nhằm cải cách gặp phải cản trở, Andrés Bonifacio vào năm 1892 thành lập một đoàn thể bí mật gọi là Katipunan nhằm giành độc lập từ Tây Ban Nha thông qua hoạt động vũ trang.[47] Bonifacio cùng Katipunan bắt đầu cuộc Cách mạng Philippines vào năm 1896. Magdalo là một phái của Katipunan tại tỉnh Cavite, cuối cùng họ thách thức vị trí lãnh đạo của Bonifacio và người này bị Emilio Aguinaldo thay thế. Năm 1898, Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ bắt đầu từ Cuba và lan đến Philippines. Aguinaldo tuyên bố Philippines độc lập từ Tây Ban Nha tại Kawit, Cavite vào ngày 12 tháng 6 năm 1898, và Đệ nhất Cộng hòa Philippines được thành lập tại Nhà thờ Barasoain vào năm sau.

Thời Mỹ thuộc

Tổng thống Manuel L. Quezon vào tháng 11 năm 1942

Tây Ban Nha nhượng quần đảo cho Hoa Kỳ để đổi lấy 20 triệu đô la theo Hiệp định Paris 1898.[49] Đến khi tình hình ngày càng trở nên rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận Cộng hòa Philippines mới ra đời, Chiến tranh Philippines–Mỹ bùng nổ, kết quả Đệ nhất Cộng hòa chiến bại. Tuy nhiên, thay thế nó là ba nước cộng hòa: Cộng hòa Zamboanga, Cộng hòa NegrosCộng hòa Tagalog. Các chính thể này cũng bị đánh bại, và quần đảo nằm dưới quyền quản lý của Chính phủ Đảo (Insular Government).[50] Nổi dậy Moro ngay lập tức diễn ra sau đó, chủ yếu là nhằm chống lại Vương quốc Hồi giáo Sulu đang suy yếu.[51] Trong thời kỳ này, văn hóa Philippines được phục hưng với sự phát triển của điện ảnh và văn học.[52][53][54][55] Daniel Burnham lập nên một kế hoạch kiến trúc cho Manila, biến nơi này thành một thành phố hiện đại.[56]

Năm 1935, Philippines có được địa vị thịnh vượng chung với tổng thống là Manuel Quezon. Ông chỉ định một ngôn ngữ quốc gia và cho phép phụ nữ bầu cử, tiến hành cải cách đất đai.[48][57] Các kế hoạch để tiến đến độc lập trong thập niên sau đó bị gián đoạn trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cuộc chiến này, Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm quần đảo, Đệ nhị Cộng hòa Philippines được thành lập với José P. Laurel là tổng thống, đây là một chính thể cộng tác với Nhật Bản. Nhiều hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh diễn ra trong cuộc chiến, chẳng hạn như Cuộc hành quân chết chóc BataanThảm sát Manila.[58] Năm 1944, Quezon qua đời trong khi lưu vong tại Hoa Kỳ, Sergio Osmeña kế nhiệm. Lực lượng Đồng Minh đánh bại Nhật Bản vào năm 1945. Đến khi kết thúc chiến tranh, người ta ước tính có hơn một triệu người Philippines thiệt mạng.[59]

Thời đại Chiến tranh Lạnh

FerdinandImelda Marcos.

Ngày 24 tháng 10 năm 1945,[60] Philippines trở thành một thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc và đến ngày 4 tháng 7 năm 1946, Hoa Kỳ công nhận Philippines độc lập, khi đó quốc gia nằm dưới quyền cai trị của Tổng thống Manuel Roxas.[61] Những thành phần tàn dư bất mãn gồm những thành viên Hukbalahap cộng sản[62] tiếp tục hoạt động ở vùng nông thôn song bị đàn áp dưới thời Tổng thống Ramon Magsaysay.[63][64] Người kế nhiệm của Magsaysay là Carlos P. Garcia đề xướng Chính sách người Philipines trước tiên,[65] và được Diosdado Macapagal tiếp nối, cùng với đó là việc chuyển ngày Độc lập từ 4 tháng 7 sang 12 tháng 6, tức ngày Emilio Aguinaldo tuyên bố độc lập,[66][67] trong khi tiếp tục thúc đẩy hơn nữa tuyên bố chủ quyền đối với Bắc Borneo.[68][69]

Năm 1965, quyền lực vào tay tổng thống dân cử Ferdinand Marcos. Vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, Marcos khởi xướng nhiều dự án công cộng song bị cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng, chẳng hạn như biển thủ hàng tỷ đô la tiền công quỹ.[70] Xã hội Philippines rất hỗn loạn vào giữa nhiệm kỳ của ông, và đến gần cuối nhiệm kỳ, Marcos tuyên bố thiết quân luật vào ngày 21 tháng 9 năm 1972. Giai đoạn Marcos cầm quyền có đặc điểm là đàn áp chính trị, độc tài, và vi phạm nhân quyền.[71] Ngày 21 tháng 8 năm 1983, kình địch chính của Marcos là lãnh tụ đối lập Benigno Aquino, Jr. bị ám sát tại Sân bay quốc tế Manila. Marcos cuối cùng kêu gọi bầu cử tổng thống sớm, tranh cử cùng góa phụ của Benigno Aquino là Corazon Aquino.[72] Marcos được tuyên bố thắng cử, song kết quả bị cho là gian lận, dẫn đến Cách mạng Quyền lực Nhân dân. Marcos và các đồng minh của ông chạy sang Hawaii và Aquino được công nhận là tổng thống.[72][73]

Lịch sử hiện đại

Nền dân chủ quay trở lại và các cải cách của chính phủ bắt đầu vào năm 1986 bị cản trở do nợ quốc gia, tham nhũng trong chính phủ, các nỗ lực đảo chính, thiên tai, cuộc nổi dậy dai dẳng của cộng sản,[74] và một cuộc xung đột quân sự với các phần tử ly khai Moro.[75] Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi vịnh Subiccăn cứ không quân Clark. Fidel V. Ramos đắc cử tổng thống vào năm 1992, nền kinh tế quốc gia được cải thiện dưới thời chính phủ của ông. Tuy nhiên, các tiến bộ về chính trị và kinh tế, chẳng hạn như một thỏa thuận hòa bình với Mặt trận giải phóng dân tộc Moro,[76] bị phủ định cùng với sự khởi đầu của Khủng hoảng tài chính châu Á 1997 vào năm 1997.[77][78]

Năm 2001, bị buộc tội tham nhũng, trong khi một quá trình luận tội bị đình trệ, Tổng thống Joseph Estrada bị phế truất trong Cách mạng EDSA 2001, người thay thế là Gloria Macapagal-Arroyo.[79] Chín năm cầm quyền của bà gắn liền với các vụ bê bối tham nhũng và chính trị, mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định và tránh được Đại suy thoái.[80][81][82][83] Năm 2010, Benigno Aquino III đắc cử tổng thống. Trong nhiệm kỳ của ông, thỏa thuận hòa bình với phe Moro được ký kết, song các tranh chấp lãnh thổ tại Bắc Borneo và biển Đông thì leo thang.[84][85][86][87] Rodrigo Duterte của PDP–Laban thắng cử tổng thống năm 2016, trở thành tổng thống đầu tiên xuất thân từ Mindanao.[88]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Philippines http://ejournal.anu.edu.au/index.php/bippa/article... http://epress.anu.edu.au/spanish_lake/mobile_devic... http://epress.anu.edu.au/spanish_lake/mobile_devic... http://www.environment.gov.au/soe/2001/publication... http://www.history-centre.gov.bn/sultanbrunei.htm http://news.abs-cbn.com/halalan2016/nation/05/27/1... http://www.abs-cbnnews.com/nation/08/04/10/corrupt... http://www.adherents.com/largecom/com_bahai.html http://www.allnationspublishing.com/articles/6/1/J... //www.amazon.com/dp/B001O7GGNI